enter image description hereenter image description here Hãy nhìn người phụ nữ này, SpO2 của bà ấy cứ duy trì 70 - 75% 7 ngày nay rồi, ngày đầu tiên mình khám sau nhập viện bà đi đứng rất chậm, hỏi trả lời được, còn cười khi mình hỏi bệnh. Ông chồng thì khỏe re, đi đứng hoạt bát, dù cả 2 cũng đã khá lớn tuổi. Mình dặn dò, chú phải để ý chăm sóc cho cô, có thấy điều gì lạ phải gọi cho bác sĩ ngay.

Nhưng chẳng có cuộc gọi nào, thành thử mỗi lần thăm bệnh, mình dừng lại ở phòng của 2 người lâu hơn bình thường, quan sát họ lâu hơn, một phần để đảm bảo họ có đủ sức khỏe cho đến lượt khám ngày hôm sau, một phần cũng để giấc ngủ của mình đêm hôm đó được ngon hơn thôi. Thế rồi, ngày qua ngày, chẳng có điều gì xảy ra cả, dù mức SpO2 chỉ duy trì ở 70%. Và ngày xét nghiệm cũng đến, mình đích thân lấy mẫu cho 2 người. Dù mình chẳng phải là bàn tay vàng trong làng ngoáy mũi, nhưng mình đã nhớ là đã đâm đủ sâu, êm ái và sung sướng :)). Kết quả, bà vợ âm còn ông chồng dương tính.

Đời tréo ngoe vậy đó, cái người mà mình để ý mỗi ngày lại âm, còn người tỉnh táo nói cười thì lại dương. Bỏ qua khả năng về chất lượng của mẫu thử, dù có rất nhiều điều đề nói về vấn đề này. Việc cơ thể người phụ nữ này vượt qua được một đợt suy hô hấp và duy trì ở mức ổn định, sau đó thì virus đã thoái lui để trở về âm tính, đã là một kì tích.

Người phụ nữ này sẽ xuất viện, với 2 lá phổi chỉ còn SpO2 70%. Liệu chức năng phổi sẽ phục hồi trở lại? Từ năm ngoái đã có những báo cáo về sự suy giảm chức năng hô hấp mãn tính sau khi khỏi COVID [1]. Lá phổi sẽ phục hồi chức năng của nó, giống như xương gãy cũng sẽ tự lành, nhưng nó cần thời gian tính theo tháng chứ không phải ngày một ngày hai.

Chúng ta chẳng ai giống ai cả, dù có là vợ chồng anh em thân thiết đi nữa, sâu trong bản chất mỗi người là sự khác biệt đến từng tế bào. Chúng ta khác nhau ở từng hơi thở, ở khả năng chịu đựng với sức ép mà đời ném đến. Để đến cuối cùng, một vài người trong chúng ta sẽ tự nhiên vượt qua, và một vài người khác ở lại mãi mãi.