Nếu các bạn đọc hồi kí của các tướng lĩnh miền Bắc, các bạn sẽ thấy được họ mô tả cuộc đời mình ra sao, cách họ bào chữa cho việc phải đưa ra những quyết định khó khăn như thế nào. Họ sẽ nói rằng tình huống đó phải như vậy, theo phong trào cộng sản, chúng tôi phải làm vậy. Tuyệt nhiên họ không nói theo luận đề này từ triết học Marx-Lenin, tôi đưa ra quyết định, hay chí ít là theo tiếng gọi của đạo đức, lương tâm. Không một dòng nào.

Các bạn sẽ không ngạc nhiên, mấy ông tướng võ biền biết thế nào là Mác Lê mà lí luận này nọ. Nhưng chẳng ai tự hỏi, tại sao trong một đất nước được thành lập dựa trên một triết thuyết của tây phương chưa được kiểm chứng, chẳng có lấy một người đủ tư cách để gọi là triết gia. Nếu có chăng, chính là ông Trần Đức Thảo này, và nếu bạn đọc về cuộc đời ông, bạn sẽ thấy đời ông lên voi xuống chó không biết bao nhiêu lần, và tất nhiên, không phải bởi vì từ kẻ thù ở phương nam xa xôi.

Ở miền nam, quốc gia của những điều vô lí cùng tồn tại, thì lại có một nền triết học không đến nỗi nào. Trong đó, tôi xin giới thiệu cho các bạn tác giả Phạm Công Thiện. Bạn sẽ search Google, đọc về tiểu sử Phạm Công Thiện, và tôi đảm bảo bạn sẽ thấy rùng mình. Không hiểu vì sao tôi chẳng bao giờ nghe đến tên ông. Lần đầu tiên tôi nghe cái tên Phạm Công Thiện là vào đầu năm nay, giữa mùa covid, ngay tại cao nguyên trung phần. Và người giới thiệu cho tôi lại là một tay thầu xây dựng cỡ nhỏ, hắn giới thiệu cho tôi cuốn “ý thức mới trong văn nghệ và triết học”.

Ôi, trường đời!