Trong buổi học Luật Kinh Tế tối thứ 6 vừa qua với thầy Phạm Duy Nghĩa, tôi có đưa ra một câu hỏi về khả năng sáng chế hóa (patentability) và cách phân biệt giữa khám phá (discovery) và phát minh (invention). Tuy nhiên, trong phạm vi một buổi học, tôi không thể trình bày hết ý tưởng của mình, nên tôi sẽ trình bày lại ở đây (nếu không tôi sẽ bứt rứt không thể ngủ được mất)

Trước hết, tôi cho rằng nguồn gốc của sự thịnh vượng của Tây phương không nằm ở tự do dân chủ mà nằm ở 2 giá trị cơ bản khác: sự tôn trọng của cải và quyền tư hữu, luật phát minh sáng chế khuyến khích sáng tạo vì lợi ích.

Như Hernando de Soto đã nói trong cuốn “Sự bí ẩn của tư bản”, sự tôn trọng của cải và quyền tư hữu cũng như khả năng vốn hóa linh hoạt số của cải đó được quy định rõ ràng và tường minh trong luật pháp phương Tây mới là cội nguồn của sự giàu có. Chính sự tôn trọng của cải này mới sinh ra tự do dân chủ và chủ nghĩa tư bản chứ không phải ngược lại, bắt nguồn từ ý tưởng mọi người đều có cơ hội ban đầu như nhau để làm giàu và những thành quả lao động của họ được tôn trọng và bảo lưu cho thế hệ con cháu. Tôi không tin rằng chủ nghĩa tư bản sinh ra tự do dân chủ.

Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của toàn bộ vấn đề, luật phát minh sáng chế khuyến khích sáng tạo mới là động lực đưa phương Tây vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới. Và tối hôm đó, tôi đã đặc biệt lưu ý tới khả năng phân biệt giữa khám phá và phát minh trong luật (giống như Einstein không thể đăng kí độc quyền thuyết tương đối còn Edison thì có thể độc quyền bóng đèn điện vậy). Thực ra mà nói thì đã từng có sự phân biệt khá rõ ràng giữa khám phá và phát minh, cũng như có sự phân biệt giữa nhà khoa học và nhà phát minh vậy. Đặc biệt là ở sự xuất hiện của họ. Nhà phát minh thông thường làm việc vì lợi ích của bản thân, họ chỉ xuất hiện khi môi trường xung quanh (luật pháp, khoa học, công nghệ, chính trị) khuyến khích họ làm việc (điều này giải thích tại sao chỉ nước Mỹ mới có Edison, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg còn Việt Nam thì chỉ có “kĩ sư” nông dân làm ra các nông cụ đơn giản). Còn nhà khoa học thì không như vậy, họ xuất hiện không phụ thuộc vào một yếu tố nào (kinh tế, chính trị, văn hóa, luật pháp) và cũng không thể có một yếu tố nào có thể ngăn cản hoặc khuyến khích họ làm việc (truyền thuyết kể rằng khi Chúa muốn con người phát triển, Chúa chỉ cần “nói để làm bừng sáng” một thiên tài và người đó truyền đạt lại cho loài người, ngặt một nỗi Chúa không thể phân biệt được người giàu hay người nghèo, dân chủ hay chuyên quyền,…). Điều này có thể ví dụ như Ngô Bảo Châu và toàn bộ dân số Trung Hoa.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, KHOA HỌC VÀ KĨ THUẬT ĐANG NGÀY CÀNG TIẾN LẠI GẦN NHAU, bất kì khám phá khoa học cơ bản nào cũng có thể được nhanh chóng chuyển thành các phát minh và mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Các công ty lớn trên thế giới, bộ phận R&D bên cạnh việc phát triển sản phẩm cũng đã bắt đầu nghiên cứu khoa học cơ bản nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trên thương trường. Và trong cái môi trường nhập nhằng giữa khoa học và kĩ thuật đó, rất nhiều thiên tài khoa học đã ngồi nhầm chỗ. Họ thay vì nghiên cứu những gì họ quan tâm (như sứ mệnh họ mang đến thế giới) lại tập trung nghiên cứu những gì mà bộ phận chiến lược công ty yêu cầu nhằm phục vụ lợi ích kinh tế vị kỉ của nhà tư bản. Việc này sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong ngắn hạn như về lâu dài sẽ làm suy mòn tinh thần khoa học. Nếu không thể có một BỘ LUẬT ĐỦ TỐT ĐỂ PHÂN BIỆT KHÁM PHÁ VÀ PHÁT MINH cũng như những chính sách hỗ trợ khoa học cơ bản, thế giới phương Tây đang lãng phí những thiên tài khoa học (chứ không phải thiên tài phát minh) của nó cho mục đích kinh tế.

Và nếu tốc độ phát triển khoa học kĩ thuật của phương Tây chỉ cần chậm đi thôi chứ đừng nói là dừng hẳn, cán cân quyền lực trên thế giới sẽ thay đổi. Trong một thế giới mà không có tiến bộ khoa học và mọi người đã biết hết những mánh khóe kĩ thuật của nhau, trò chơi quyền lực sẽ trở thành một trò chơi quân tử. Khi đó lợi thế sẽ thuộc về nước đông dân, giàu tài nguyên hoặc có lợi thế địa chính trị như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kì… Và tôi gọi đó là THỜI KÌ TRUNG CỔ THỨ 2.

Tất cả bắt nguồn chỉ từ một bộ luật không thể phân biệt tốt đâu là khám phá và đâu là phát minh!